top of page
  • Writer's pictureThúy

Bà Hồng

“Gâu gâu gâu”

Tiếng sủa quen thuộc của con chó đen nhà bà Hồng lại vang lên, inh ỏi hết cả cái xóm nhỏ đang chìm vào giấc ngủ sâu. Bố tôi dưới tầng càu nhàu, lại làm hàng xóm mất ngủ. Mẹ tôi thì thở dài, may mắn thay hai đứa em vẫn ngủ tơ hơ chẳng biết gì, tuổi ăn tuổi lớn đúng là dễ ngủ mà. Tôi thầm thở dài.

Chẳng biết tự bao giờ, trong một mảng kí ức xưa cũ nào đó, tiếng chó sủa nhà bà Hồng Ấp đã trở thành âm thanh quen thuộc hàng đêm của xóm tôi rồi. Người ta gọi là là bà Hồng Ấp, vì bà hơi hâm hấp. Kể ra bà trông lúc nào cũng tội nghiệp, một bên mắt bị mù do chiến tranh, mắt còn lại dù không mù nhưng cũng kèm nhèm nhìn chẳng rõ, một bên tay bị tật, lúc nào cũng dính sát vào trước ngực phải, một bên chân của bà cũng bị tật phải dùng gậy mới đi được. Trong kí ức của tôi, bà lúc nào cũng mặt độc một bộ quần áo trông hơi bẩn, hôm đi hai chiếc dép tổ ong, hôm thì đi chân trần… Mái tóc bạc trắng của bà ngắn tun tủn, đầu bết dính lại như cả tháng chẳng gội lần nào. Cũng phải thôi, căn nhà của bà lúc nào cũng chỉ có mình bà với một con chó con, một con mèo con lúc nào cũng háu đói. Tôi đã từng hỏi bố, bà Hồng không có chồng con gì sao bố?

“Chồng bà ấy mất trong chiến tranh, trước bà ấy có một đứa con trai…”

“Bà ấy có con sao bố?”

“Ừm, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn không nuôi nổi con nên bà ấy gửi con mình cho em gái nuôi.”

Tôi vẫn còn thắc mắc nhưng không hỏi bố nữa. Con trai bà Hồng Ấp tôi đã từng thấy vài lần, đi SH, quần áo hàng hiệu thi thoảng sẽ đến nhà thăm bà. Nhưng phải một thời gian rất rất lâu, anh ấy mới đến thăm bà Hồng một lần.



Thỉnh thoảng tôi sẽ rủ em sang giúp đỡ bà nấu cơm, cắm nước hay bắc bếp nấu cơm. Một người già bị khuyết tật thực sự quá khó khăn khi phải một mình làm hết tất cả những công việc tưởng chừng như đơn giản đó. Vài lần, không hiểu sao tôi lén rơi nước mắt. Bà ấy cũng thường xuyên sang nhà tôi xin cơm trưa, nhờ bố tôi sửa ống nước hay xin vài chai nước lọc khi nhà bà hết nước. Bố tôi lúc nào cũng nhắc rằng sang nhà bà Hồng Ấp ít thôi, vì nhà bà ấy hôi hám, mất vệ sinh sinh ra nhiều bệnh tật. Thế nhưng mỗi lần tôi sang bố vẫn chẳng nói gì.

Bà Hồng hay chửi đổng bọn trẻ con hàng xóm, vì chúng nghich ngợm, lúc nào cũng lén hái quả xoài quả ổi trong sân nhà bà. Ngôi nhà nhỏ cấp bốn lúc nào cũng là địa điểm tụ họp, nghịch ngợm phá phách của bọn trẻ con trong làng. Bà chỉ có con chó con mèo làm bạn, thế nhưng cứ được dăm ba tháng, bọn trộm chó trộm mèo sẽ lại câu mất bạn của bà. Thỉnh thoảng tôi qua nhà bà giúp, bà rơm rớm nước mắt kể với tôi, rằng chúng quan trọng như thế nào với bà… Lòng tôi chợt buồn rười rượi. Với bà, chó, mèo là những người bạn luôn bên cạnh bầu bạn cùng, nhưng với những kẻ chỉ coi chó, mèo là một món nhậu trên bàn ăn, chúng nào biết được sự mất mát trong lòng bà… Sau đó là những chú chó, chú mèo mới được bà đưa về từ nơi nào đó… Mỗi khi trong làng có đám cưới hay cỗ lớn, người ta sẽ để dành một phần cơm và thức ăn cho bà, dù ít thôi nhưng đó là tấm lòng ấm áp, sự chân thành mà mọi người dành cho bà. Vài lần tôi thấy người bên viện dưỡng lão xuống thăm bà, hy vọng bà có thể đến viện để còn có người chăm sóc khi tuổi già sức yếu, đặc biệt là trong hoàn cảnh của bà Hồng. Nhưng bà vẫn ở đấy, một thân một mình với con chó con mèo làm bạn. Tại sao bà không đồng ý vào viện dưỡng lão? Có lẽ bà Hồng Ấp không muốn xa quê, xa nơi từng có tàn tích của chiến tranh, hơi thở của người chồng yêu dấu đã không bao giờ quay trở lại… Và hơn hết, nơi đây có con trai bà, người bà đã không có đủ điều kiện kinh tế để nuôi dưỡng…

Mỗi năm qua đi tức là bà Hồng lại già thêm một tuổi. Mỗi khi Tết đến, tôi lại rủ mấy đứa em sang nhà bà chơi, lì xì cho bà. Nụ cười của bà khiến tôi rất vui. Tết đến nhà nhà quây quần, đón giao thừa cùng nhau, thế nhưng căn nhà cấp bốn của bà thì vẫn cứ vắng lặng như thế. Thỉnh thoảng sẽ có ai đó là họ hàng thân thích đến thăm bà, đem lại chút niềm vui cho ngôi nhà vốn đã luôn vắng lặng như vậy.

Dù thế nào thì cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, những đứa trẻ nghịch ngợm năm nào theo thời gian cũng phải lớn lên, trưởng thành đi học và đi làm. Mọi người trong thôn tiếp cận với thời đại mới, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên trong đó có nhà tôi. Thế nhưng, ngôi nhà cấp bốn của bà Hồng thì luôn lặng lẽ nằm đó, nhỏ bé, vắng lặng và cũ kĩ. Bà Hồng cũng đã dần ít sang nhà tôi nhờ vả hơn, tiếng chửi đổng của bà với bọn trẻ con hàng xóm từ lâu đã không còn cất lên. Tôi học càng lên cao, càng có nhiều thứ phải lo hơn. Điểm số, bạn bè, thầy cô, bố mẹ, học thêm… Mọi thứ như ngày càng chồng chất làm tôi chẳng còn tâm trí nào để nghĩ đến những việc khác nữa. Đến lúc nhận ra, tôi chợt cảm thấy sự biến hóa khôn lường của thời gian. Khi kịp nhận ra ngôi nhà nho nhỏ kia không còn sự xuất hiện của bà Hồng mà thay vào đó là tiếng chó sủa, tiếng mèo kêu inh ỏi cả khu xóm, tôi mới biết bà Hồng đã chấp nhận đến viện dưỡng lão. Có lẽ sau từng ấy năm khổ cực, cô đơn, không thể tự làm mọi việc như trước, bà đã quyết định giành khoảng thời gian còn lại của cuộc đời mình cho viện dưỡng lão, bầu bạn với những người già khác, hoặc ít nhất thì cũng có người để chăm sóc mình. Tôi thầm tự nhủ trong lòng, hay quá, bà ấy cuối cùng cũng có người chăm sóc rồi.

Thế nhưng con chó, mèo đã từng bầu bạn với bà, ai sẽ chăm nom chúng? Mỗi khi đêm xuống, khi cả xóm đang dần chìm vào giấc ngủ sau một ngày dài mệt mỏi, tiếng chó lại ăng ẳng vang lên, có lẽ là chúng nhớ chủ đây mà. Tôi tự nhủ, liệu ngoài chúng ra, còn có ai nhớ bà và yêu quý bà như thế? Con trai bà, em gái bà, họ hàng thân thích? Có lẽ họ cũng thương bà, nhưng sự thương cảm ấy chưa đủ, chưa nhiều như của chú chó, chú mèo mà bà nuôi. Đôi khi, tình cảm gia đình là một điều mong manh, một sự xa xỉ khi chúng tồn tại trong dòng chảy thời gian và sự biến đổi khôn lường của xã hội này. Tôi nhìn lại gia đình mình, bố mẹ và hai đứa em nhỏ. Liệu sau này tôi có vì đồng tiền, vì những cám dỗ bên ngoài mà quên đi họ không? Liệu tôi có giành nhiều thời gian cho họ như hiện tại không? Cuộc đời luôn luôn thay đổi, con người cũng luôn luôn lớn lên, trưởng thành và thay đổi cả về cách suy nghĩ và lối sống. Một điều quan trọng mà tôi nhận ra rằng gia đình là điều quan trọng nhất mà không gì có thể so sánh được.

Sau một vài tháng, tôi thấy nhà bà Hồng rất đông người, họ đều đeo khăn tang trắng với nét mặt u buồn. Có em gái bà, con trai bà và rất đông họ hàng thân thích. Tiếng tru tréo của con chó như tiếng khóc ai oán. Tôi giật mình hỏi bố, sao nhà bà Hồng đông người vậy bố?

“Bà Hồng mất rồi con ạ.”

Tin này khiến tôi hơi sốc. Bà Hồng mới vào viện dưỡng lão vài tháng mà đã đi rồi ư? Có lẽ trước đó bà đã cảm nhận được cái chết đang đến gần mình rồi chăng? Những khoảnh khắc tôi sang nhà bà giúp bà thổi cơm, quét nhà quét sân, cắm nước chợt trở nên mơ hồ như chưa từng xảy ra, như chúng chỉ là trong tưởng tượng của tôi. Những điều thật sự đã từng xảy ra đột nhiên trở nên vô cùng không chân thực. Hình ảnh bà Hồng với một bên mắt kèm nhèm, tay bị tật và đôi chân hôm thì đi dép hôm thì không chợt hiện loáng thoáng trong trí óc của tôi. Bà ấy đã thực sự rời xa thế giới này để đến với một thế giới khác, Tôi mong ở nơi khác đó, bà ấy gặp chồng mình, mắt nhìn rõ, chân tay khỏe mạnh, mặc một bộ quần áo sạch sẽ và có ai đó gội đầu giúp bà ấy.

Người ra đi, chỉ còn sự đau khổ cho người ở lại.

Một người ra đi, để lại một bài học cho người ở lại.

Một cuộc đời kết thúc, để lại sự tiếc nuối cho người ở lại.

Dù thế nào đi chăng nữa, sự hiện diện cùa bà sẽ vẫn luôn ở đó với ngôi nhà cấp bốn, cây xoài cây ổi trước sân, với con chó con mèo đã luôn bầu bạn với bà. Người ta sẽ không quên bà vì bà đã từng là một phần không thể thiếu của xóm này.

Kết thúc hồi tưởng, tôi nhìn thấy một quãng đường dài trước mắt mình. Dù bà Hồng đã không còn ở đây, nhưng tôi đã học được một vài bài học nào đó từ bà mà có lẽ chúng sẽ giúp ích cho bản thân mình trong tương lai. Tôi sẽ sống một cuộc đời không hổ thẹn.

9 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page